Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

Trao đổi nghiên cứu nguồn tài chính dài hạn phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam

21/09/2022

CMSC Sáng 20/9, tại Hà Nội, Vụ Công nghệ và Hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đã có buổi làm việc cùng đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB).

Tham dự buổi làm việc có ông Lê Mạnh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, ông Nguyễn Quý Dương - Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Về phía WB, có bà Jing Zhao - Chuyên gia tài chính cấp cao cùng các chuyên gia tài chính.

Thông tin tại buổi làm việc, đại diện WB cho biết, cơ sở hạ tầng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam; tuy nhiên, mức độ phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn thấp. Tăng trưởng kinh tế cần được hỗ trợ bởi việc tăng cường kết nối thông qua việc cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng như tiện ích và giao thông với chi phí hợp lý. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm hơn do đại dịch Covid-19, gián đoạn trong chuỗi cung ứng và thị trường lao động; đặt ra yêu cầu các giải pháp bền vững để phục hồi xu hướng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực đường bộ, điện, nước.

Ông Ngô Hà Quân – Chuyên gia tư vấn tài chính (Ngân hàng thế giới) phát biểu tại buổi làm việc

Theo đại diện WB, Việt Nam cần huy động nguồn tài chính của khu vực tư nhân nhằm tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng do ngân sách nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đáp ứng và thiếu hụt các nguồn tài chính đa dạng cho vốn dài hạn là một trong những hạn chế chính đã kìm hãm sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Global Infrastructure Hub đã dự báo nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đáp ứng của Việt Nam là 85 tỷ USD trong giai đoạn từ 2022 đến 2040.

Đại diện WB cho biết, trong khuôn khổ Chương trình phát triển thị trường vốn chung (JCAP Việt Nam), các chuyên gia của WB đang hoàn thiện “Nghiên cứu về huy động vốn tư nhân giúp đẩy mạnh nguồn tài chính dài hạn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”. Mục tiêu của Nghiên cứu là xác định những khó khăn chính trong việc huy động nguồn vốn tư nhân cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, các cải cách chính sách cần thiết và các giải pháp tài chính để giải quyết những thách thức đó. Sau các cuộc họp chuyên môn trực tuyến với các cơ quan có liên quan và các thành viên thị trường nhằm tìm hiểu thực tế vào tháng 4 năm 2022, nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị một bản báo cáo trong đó bao gồm các vấn đề đã được nhận diện và các khuyến nghị.

Ông Lê Mạnh Tùng – Phó Vụ trưởng  Vụ Công nghệ và Hạ tầng (giữa) phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, nhóm nghiên cứu của WB đã chia sẻ với Vụ Công nghệ và Hạ tầng về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn tài chính dài hạn cho việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng; đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng đánh giá cao “Nghiên cứu về huy động vốn tư nhân giúp đẩy mạnh nguồn tài chính dài hạn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”. Ghi nhận những đóng góp lớn của WB cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, ông Lê Mạnh Tùng nhận định: nghiên cứu này có giá trị thực tiễn trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, từ đó, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế quốc gia.

Lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng cho biết: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban; tiếp nhận quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc các lĩnh vực: năng lượng, công nghệ hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Trong lĩnh vực hạ tầng, Ủy ban hiện đang thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Ông Nguyễn Quý Dương - Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) (giữa) phát biểu tại buổi làm việc

Thông tin về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lê Mạnh Tùng cho biết, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia cần được ưu tiên đầu tư tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong kết cấu hạ tầng quốc gia, phát triển hạ tầng đường sắt là nội dung quan trọng. Mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40%. Về kết cấu hạ tầng: Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP. Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Khẳng định dư địa phát triển lớn của ngành đường sắt trong thời gian tới, ông Lê Mạnh Tùng chia sẻ: Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ các giải pháp chính sách chủ yếu. Theo đó, về cơ chế, chính sách, Chính phủ chủ trương xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất để huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Về nguồn lực đầu tư, Việt nam tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; sử dụng nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình đường sắt có tính lan tỏa.

Tại buổi làm việc, Vụ Công nghệ và Hạ tầng và WB đã chia sẻ những trao đổi, thảo luận chuyên sâu về cơ hội hợp tác trong dự án phát triển hệ thống đường sắt tại Việt Nam.

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này