Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (29/9/2018-29/9/2023): 5 năm kết nối - đồng hành - cùng phát triển
29/09/2023
CMSC 5 năm - một chặng đường không phải quá dài, nhưng lại mang một ý nghĩa lớn đánh dấu mốc son trưởng thành với những kết quả ấn tượng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC). Đóng góp vào thành quả này là sự đoàn kết, đồng hành của toàn thể cán bộ, người lao động Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty đang cống hiến, tận tâm và cùng chia sẻ những giá trị chung, đã lan toả trong dòng chảy của CMSC suốt 5 năm qua.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư tại các tập đoàn, tổng công ty |
Trong hành trình 5 năm qua, Ủy ban đã thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước với nhiều kết quả ấn tượng. 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban (trước đây thuộc 5 bộ), hiện có tổng vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 63% và 65% tổng tài sản của toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước.
Đánh giá chung, thống nhất của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tổng kết việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà và vốn nhà nước tại doanh nghiệp” theo Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017, cho thấy, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Ủy ban luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động |
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định
Sau 5 năm hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khẳng định mô hình và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác quản lý vốn nhà nước một cách minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là dấu mốc đặc biệt, để lại dấu ấn rõ ràng trong tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Sau khi chuyển về Ủy ban, kết quả hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty không bị gián đoạn; hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hằng năm; tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng chiếm 20% GPD cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty đạt đạt 103 nghìn 310 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng.
Những kết quả nêu trên đã khẳng định chủ trương thành lập Ủy ban là đúng đắn và phù hợp với tính chất, đặc điểm, vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà nước.
Với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Ủy ban luôn sát sao cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động |
19 tập đoàn, tổng công ty giữ vai trò nòng cốt, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.
Ủy ban luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp |
Các tập đoàn, tổng công ty đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trước những biến động thị trường xăng dầu thời gian qua; đảm bảo nhu cầu về điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh; tăng sản lượng khai thác dầu thô, than đá cho nhu cầu của nền kinh tế và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; gia tăng giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa công nghiệp cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc quy, thép; nâng cao chất lượng sản phẩm và khối lượng sản xuất các mặt hàng nông lâm nghiệp đáp ứng cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Đến năm 2023, ước tính về thị phần trong nước, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã đóng góp khoảng 48% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón; về khối lượng hàng hóa, dịch vụ, các tập đoàn, tổng công ty đã cung cấp cho nền kinh tế 242,7 tỷ kWh điện, 10,84 triệu tấn dầu thô, 8,08 tỷ m3 khí, 42,2 triệu tấn than sạch, 13,76 triệu m3 xăng dầu, 5,78 triệu tấn Alumin, 1,8 triệu tấn ure, 30 nghìn tấn đồng tấm, 4,8 triệu tấn phân bón, 842 nghìn tấn hóa chất cơ bản, 2,3 triệu kwh ắc quy, 280 nghìn tấn chất giặt rửa, 3,7 triệu chiếc lốp ô tô, 25.025 tấn cao su, 41,6 triệu cây giống...
Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải, logistics (hàng không, đường sắt, hàng hải) đã nỗ lực rất lớn để bảo đảm nhu cầu về giao thông, vận tải cho đời sống của nhân dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) đã giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc và tiên phong trong chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển xã hội số, chính phủ số và nền kinh tế số. Đến năm 2023, ước tính về thị phần, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban chiếm khoảng 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất; về khối vận chuyển đạt 126 triệu lượt hành khách, 114,5 triệu tấn hàng hóa.
Trong giai đoạn 2018 – 2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, đồng hành cùng các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769 nghìn 969 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn, quan trọng đã được triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ vào xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực. Tiêu biểu như các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, các công trình lưới điện 500kV Vĩnh Tân, Sông Hậu - Đức Hòa, Long Phú - Ô Môn; hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023. Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Càng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… qua đó đầu tư hoàn thiện hệ thống đường bộ quốc gia, nhất là các tuyến cao tốc trục Bắc-Nam, các tuyến cao tốc kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm.
Ủy ban đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm an sinh xã hội |
Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh
Sau 5 năm chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đã có đóng góp đáng kể vào nguồn thu của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh hệ quả từ đại dịch Covid-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã chủ động nhận diện tình hình, xây dựng nhiều phương án, kịch bản gắn với những giải pháp cụ thể, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình hình thế giới; triển khai đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ, duy trì đầu tư phát triển, qua đó, góp phần không nhỏ vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh vai trò lực lượng nòng cốt điều tiết nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua, các tập đoàn, tổng công ty đã góp phần không nhỏ vào công tác thực hiện chính sách về lao động, việc làm của nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ ổn định đời sống cho 700.000 người lao động, giải quyết việc làm tại địa phương và trong cả nước.
Các tập đoàn, tổng công ty còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội bằng nhiều chương trình thiết thực như: Tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; Ủng hộ hơn 100.000 máy tính cho Chương trình Sóng và máy tính cho em; Xây nhà Đại đoàn kết…
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban cũng có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, kết hợp sản xuất, kinh doanh với thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia...
Thúc đẩy mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp nước ngoài |
Tiếp tục sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp bứt phá và phát triển bền vững
Trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế và trong nước những năm tới tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường, đặc biệt là diễn biến bất ổn địa chính trị, nhiệm vụ của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược của Đảng, Nhà nước. Do đó, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục nỗ lực và quyết liệt thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn. Tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Giải pháp căn bản, lâu dài là phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Ủy ban…
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức làm việc; xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nội bộ đảm bảo thống nhất, hiệu quả; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ công chức, viên chức; ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn sâu về kinh tế, kỹ thuật, đầu tư để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nhân sự quản lý doanh nghiệp nhà nước |
Thứ tư, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, cho nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động; thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.
Thứ năm, kịp thời tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại nhà đất của DNNN còn bất cập, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trong quá trình chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp theo đúng chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ được giao.
Thứ bảy, đề xuất sửa đổi các quy định để có thể điều tiết được các nguồn vốn đầu tư giữa các DNNN; kết nối hoạt động kinh doanh giữa các Tập đoàn, Tổng công ty theo chuỗi; điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa Ủy ban với các doanh nghiệp.
Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan đại diện Việt Nam và đối tác quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và thế giới về đổi mới và quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã làm được nhiều việc lớn. Nhưng, vẫn còn nhiều nhiệm vụ lớn hơn nữa, thách thức hơn nữa đang chờ đợi phía trước. Thành công trong tương lai phụ thuộc vào những hành động ngay từ bây giờ. Hy vọng mốc 5 năm sẽ chỉ là điểm khởi đầu cho những chặng đường mới nhiều thành tựu hơn nữa; và đặc biệt mong mỗi cán bộ, người lao động CMSC hãy luôn gìn giữ ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê, làm việc bằng cả trí tuệ và trái tim, đoàn kết cùng nhau đưa CMSC tiến xa hơn.