Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, Ngày 08/09/2017

VNPT Vinaphone cần hoàn thiện mô hình kinh doanh trên môi trường số

17/10/2022

CMSC Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh giao cho Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone tại buổi làm việc diễn ra vào chiều 13/10, tại Hà Nội.

Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ và Văn phòng Ủy ban. Về phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), có ông Huỳnh Quang Liêm – Tổng giám đốc; bà Trần Thanh Thủy – Phó Tổng giám đốc VNPT, Chủ tịch VNPT Vinaphone; ông Nguyễn Trường Giang – Tổng giám đốc VNPT Vinaphone; cùng đại diện các ban chức năng của VNPT Vinaphone.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trường Giang – Tổng giám đốc VNPT Vinaphone cho biết: về kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng năm 2022, VNPT Vinaphone có tổng doanh thu đạt 31.410 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; doanh thu viễn thông, công nghệ thông tin tăng 4,3% so với cùng kỳ

Theo báo cáo, nhóm dịch vụ Internet trực tiếp có doanh thu đạt 434 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Dịch vụ gia tăng nhanh nhờ hoạt động cung cấp triển khai kênh phục vụ SEA Games 31 trong 5 tháng đầu năm. Trong năm 2022, VNPT Vinaphone đẩy mạnh giải pháp SDWAN phát triển được nhiều khách hàng mới, mang lại hiệu quả triển khai dịch vụ. Nhóm dịch vụ cố định vệ tinh có doanh thu đạt 312 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ tăng trưởng tốt trong 9 tháng nhờ triển khai các dịch vụ thu phát hình phục vụ SEA Games. Nhóm dịch vụ hạ tầng có doanh thu đạt 222 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Doanh thu hạ tầng chủ yếu đến từ sự chuyển dịch doanh thu từ truyền số liệu của khách hàng MobiFone từ cuối năm 2021.

Về công tác quản trị tại VNPT Vinaphone, để triển khai tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao năm 2022, Tổng công ty đã tập trung xây dựng và tổ chức triển khai nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả điều hành trên các mặt công tác. Cụ thể, VNPT Vinaphone đã từng bước triển khai các nội dung trong Đề án cơ cấu lại Tập đoàn với các lộ trình phù hợp với điều kiện pháp lý của từng thời điểm để điều chỉnh mô hình tổ chức tỉnh gọn, phù hợp với định hướng chiến lược của Tập đoàn. Theo đó, tăng trách nhiệm và quyền hạn của Trưởng đại diện tương xứng với vai trò đại diện cho cả Tập đoàn và VNPT Vinaphone trên địa bàn, là Tổng chỉ huy kinh doanh và kỹ thuật tại địa bàn nhằm tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho đơn vị. VNPT Vinaphone thay mặt Tập đoàn điều hành toàn quốc đối với các địa bàn tĩnh về kinh doanh thông qua xây dựng, hướng dẫn và ban hành cơ chế chính sách kinh doanh, đề xuất các nội dung liên quan đến kinh doanh để Tập đoàn giao kế hoạch kinh doanh đến các địa bàn, xây dựng và triển khai các chương trình hành động kinh doanh để đạt mục tiêu, tổ chức điều hành kinh doanh và hỗ trợ, điều chỉnh.

Tổng công ty đã triển khai mô hình điều hành kinh doanh trên cơ sở xuyên suốt, trong đó nâng cao vai trò của Trưởng đại diện trong việc triển khai kinh doanh tại địa bàn theo các nhóm sản phẩm dịch vụ chính bao gồm: Di động: Băng rộng; MyTV; Dịch vụ số; Chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, VNPT Vinaphone tổ chức xây dựng chiến lược dữ liệu của VNPT giai đoạn 2021 - 2026 về lĩnh vực chuyển đổi số với bốn trọng tâm: Sổ hóa khách hàng: Tác nghiệp; Quản trị doanh nghiệp và Vận hành hạ tầng mạng lưới. Đặc biệt, Tổng công ty đã sử dụng các thành quả chuyển đổi số để tăng cường áp dụng phân tích số liệu phục vụ điều hành, kinh doanh trực tuyến xuyên suốt đến các cấp.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thanh Thủy – Phó Tổng giám đốc VNPT, Chủ tịch VNPT Vinaphone đưa ra những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách liên quan tới quy định điều chỉnh hạn mức khuyến mãi, thời gian khuyến mãi, và đăng ký thông tin khách hàng. Bên cạnh đó, bà Trần Thanh Thủy cũng kiến nghị Ủy ban xem xét, có ý kiến với Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành quy định cho phép nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin được kết nối đến cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ công tác chuyển đổi số quốc gia.

Về công tác thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban, thay mặt VNPT Vinaphone, bà Trần Thanh Thủy đề xuất Ủy ban xem xét, nghiên cứu ban hành bộ chỉ tiêu về chuyển đổi số để áp dụng cho các đơn vị trực thuộc; trên cơ sở đó, VNPT sẽ đồng hành, hỗ trợ thực hiện công tác chuyển đổi số tại các đơn vị. Đồng thời, VNPT Vinaphone đề xuất Ủy ban xem xét xây dựng và phát động chương trình doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban dùng sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp trong Ủy ban cung cấp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu kết luận buổi làm việc

Sau khi nghe báo cáo của doanh nghiệp và ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của VNPT trong công tác chỉ đạo, định hướng; của VNPT Vinaphone trong việc dẫn dắt, giám sát việc triển khai thực hiện tại các đơn vị thành viên để vượt qua khó khăn thách thức sau đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, mặc dù mức độ tăng trưởng của VNPT Vinaphone chưa đạt như kỳ vọng của Tập đoàn, nhưng so với những doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực thì mức tăng trưởng 3,5% của Tổng công ty là đáng ghi nhận.

Để tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong thời kỳ trước, khẳng định vị thế và thương hiệu của một doanh nghiệp lớn trong bối cảnh kinh doanh mới, thời kỳ của phát triển công nghệ, của chuyển đổi số toàn diện, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh lưu ý VNPT Vinaphone cần tập trung tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh doanh theo hướng mọi hoạt động được thực hiện tối đa trên môi trường số nhằm nâng cao hiệu lực điều hành, nâng cao năng suất lao động góp phần cải thiện các chỉ tiêu tăng trưởng của Tổng công ty.

Bên cạnh đó, VNPT Vinaphone cần tiếp tục khẳng định vai trò là đơn vị đầu tàu trong chuỗi giá trị của VNPT để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển sản phẩm dịch vụ, giải pháp; phân tích khách hàng để có lựa chọn phù hợp nhất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn nói chung và của Tổng công ty nói riêng. Ngoài ra, với định hướng mới trong mô hình tái cơ cấu, mở rộng phạm vi hoạt động của VNPT Vinaphone không chỉ dừng lại ở một đơn vị bán hàng mà còn là đơn vị mở mang, khai phá các cơ hội kinh doanh mới thông qua việc hợp tác với những doanh nghiệp nhỏ có sản phẩm, giải pháp hữu ích cho khách hàng, đòi hỏi Tổng công ty cần sàng lọc, củng cố và tăng cường đào tạo tốt hơn nữa đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu và sứ mệnh của VNPT Vinaphone trong thời kỳ mới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cũng giao VNPT tiếp tục chỉ đạo, định hướng cho VNPT Vinaphone trong các năm tới đây đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển chung củaTập đoàn, phù hợp với phương án tái cơ cấu được phê duyệt; đồng thời, đảm bảo thu nhập, việc làm và đời sống ổn định của cán bộ công nhân viên trong đơn vị. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, với vai trò là chủ sở hữu nhà nước của VNPT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ ngành để báo cáo với Thủ tướng sớm phê duyệt Chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất – kinh doanh và đầu tư – phát triển giai đoạn 2021-2025 và Phương án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 trong thời gian sớm nhất.

Đối với các kiến nghị về cơ chế chính sách, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao Vụ Công nghệ và Hạ tầng là đầu mối để làm việc với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi theo hướng tạo sự chủ động, tạo sự thuận tiện nhất cho doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ pháp luật; đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ giữa nội dung tại các văn bản quy định khác nhau. Đối với kiến nghị xây dựng các tiêu chí về chuyển đổi số, an toàn thông tin đối với doanh nghiệp trong Ủy ban, cũng như là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong Ủy ban trong quá trình thực hiện định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao nhiệm vụ cho Trung tâm Thông tin phối hợp với các Vụ nghiên cứu và đề xuất phương án tổ chức triển khai phù hợp trong thời gian tới.

*Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) phát biểu tại buổi làm việc
Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng phát biểu tại buổi làm việc
Bà Vũ Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ phát biểu tại buổi làm việc
Ông Hồ Khánh Duy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban phát biểu tại buổi làm việc
Ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng giám đốc VNPT phát biểu tại buổi làm việc
Bà Trần Thanh Thủy – Phó Tổng giám đốc VNPT, Chủ tịch VNPT Vinaphone đưa ra đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Trường Giang – Tổng giám đốc VNPT Vinaphone báo cáo tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cùng đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng và Văn phòng Ủy ban chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện VNPT và VNPT Vinaphone

Nhật Quang

Media
Thư viện hình ảnh

ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Địa chỉ: Số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 08049558 - Fax: 08049585

Website:www.cmsc.gov.vn

Email: ubqlv@cmsc.gov.vn

Giấy phép: Số 132/GP-TTĐT ngày 26/7/2019

Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hoặc

"cmsc.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này